Du khách có thể tìm thấy từ những ngôi chùa gỗ cổ xưa đến những thợ may bận rộn tại khu vực được bảo tồn tốt nhất của thành phố nhỏ này.
Hội An mất vị trí thương cảng quan trọng vào cuối thế kỷ 18 và dần rơi vào quá khứ, trong khi Đà Nẵng láng giềng lại ngày một hiện đại hơn. Không những thế, thị trấn cũng không chịu thiệt hại đáng kể nào trong giai đoạn chiến tranh và nhờ đó vẫn giữ được cái hồn xưa cũ của mình. Ngày nay, cảng vẫn hoạt động với vai trò một cảng cá, song song với việc đón tiếp khách du lịch, nguồn thu chính của thành phố. Năm 1999, Phố cổ Hội An được công nhận là Di sản Thế giới.
Phố Cổ còn lưu giữ được nhiều đặc trưng kiến trúc ấn tượng. Một trong số đó là những tòa kiến trúc bằng gỗ truyền thống, như Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản) với mái gỗ và nhiều chi tiết trang trí tinh xảo.
Tương tự như những thành phố cảng khác, Hội An có một nền văn hóa đa dạng và những công trình kiến trúc chính là bằng chứng rõ rệt nhất. Hãy tản bộ quanh Phố Cổ và ngắm nhìn những căn biệt thự kiểu thuộc địa nằm cạnh những ngôi đền, chùa Hoa.
Men theo nhánh sông Thu Bồn vào sáng sớm để xem những ngư dân đánh bắt cá ngay gần bờ. Chợ Hội An cũng là một điểm tham quan thú vị khác chờ du khách khám phá. Với du khách nước ngoài, Hội An nổi tiếng với những người thợ may tài hoa cùng nhiều cửa hàng lụa; khách có thể đi và may một bộ áo dài chỉ trong vòng 1 ngày.
Gốm là một điểm nổi bật khác trong văn hóa Hội An và tại Phố Cổ vẫn còn vài bảo tàng trưng bày các sản phẩm truyền thống, như Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, hay Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh với hơn 400 mẫu vật gốm sứ cổ đặc sắc.
Nếu có thể, hãy cố gắng tham quan Phố Cổ vào dịp Lễ hội Đêm rằm hàng tháng. Vào những đêm hội này, cả khu phố cổ sẽ tắt hết đèn điện và cấm các phương tiện giao thông và du khách có cơ hội đắm mình trong ánh trăng tròn, tiếng nhạc du dương và ánh đèn lồng lung linh như từ vài thế kỷ trước.